Nguyệt San Số 10


Cho tôi về lại những ngày xưa

Tác giả: V.T
Thể loại: Quê Hương   

        Chủ nhật tranh thủ rỗi việc, một mình tôi dong xe về quê thăm nội . Nói về quê nhưng thật ra có xa xôi gì cho cam . Nhà nội chỉ cách nhà tôi đúng 17 cây số đường nhựa , cộng thêm 3 cây số đường đồng  . Vậy mà từ lúc tôi đi làm tới giờ, mỗi năm tôi chỉ về quê hai lần : vào dịp tết và vào dịp giỗ ông nội tôi . Và mỗi năm, số thời gian tôi ở lại quê càng ít đi .
     Nhớ ngày nào còn nhỏ, cứ hè tới là tôi nằng nặc đòi cha tôi phải chở về quê cho bằng được . Tôi ở  đấy  suốt cả một tuần, thậm chí có khi nhờ nội xin với cha cho tôi ở với nội đến cả ba tuần liền . Bây giờ thì lại khác, mấy năm trước, tôi còn ở lại được gần hết ngày .
     Vài năm lại đây, tôi thoái thác là bận nhiều việc ở cơ quan, chỉ loáng thăm nội qua quýt chừng hai ba tiếng đồng hồ, nhét vội vàng vài trăm nghìn vào cái bàn tay nhăn nheo của nội “ con gửi nội mua đồ ăn “  rồi đi . Chẳng phải tôi không còn thương nội, tôi vẫn quý bà như cái thuở ngày nào tôi là thằng bé con nghịch ngợm thích đứng trên giường của nội thò qua cửa sổ tè vổng ra ngoài sân . Nhưng có lẽ bây giờ tôi đã lớn, cộng với bao bộn bề lo toan cuộc sống đã làm mất dần trong tôi cái háo hức về quê như những ngày xưa .
     Không về nhưng không có nghĩa là tôi không nhớ quê . Những ký ức đẹp như tranh vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi như ngày nào . Từng mảng, từng mảng một, rất đậm nét ...

***CÂY THANH LONG
  Quê tôi ngày xưa nghèo lắm . Nhà nội lại nằm gần sông , đất nhiễm mặn nên trồng lúa chẳng bao giờ trúng . Thời ông nội còn sống, cả vùng đất vườn mấy mẫu được ông trồng thanh long . Cây thanh long ngày xưa được trồng cho leo lên cây dong ( loại cây có hoa đỏ thành chùm rất đẹp mà dân Nam Bộ lấy lá non gói nem chua ) . Mỗi cây dong sau khi trồng, để lớn tự do trong hai năm, sau đó sẽ được tỉa bớt nhánh làm trụ cho thanh long leo .
Cái thứ thanh long quỷ quyệt, đứng một mình chỉ có nước dặt dẹo chẳng lớn được . Vậy mà khi ốp vào gốc cây dong thì chúng lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc những cành thanh long sẽ nhanh chóng bò lên tới ngọn dong, sau đó tách chồi mọc tua ra xung quanh . Ai giàu trí tưởng tượng mà ngắm cây dong ấy vào buổi chiều chập choạng tối thì thể nào cũng thốt lên câu :  “ Sao ngó giống cái đầu người quá vậy cà “ . Mà giống thật . Nhìn cái cây dong thân to tướng, phía trên lại lùm xùm đầy cành thanh long tua tủa trông như cái đầu của một chàng nào đó lười tắm gội chải đầu .
Vào giữa hè là mùa thanh long chín . Hè về quê, tôi đi lang thang cả ngày thỏa thuê trong khu vườn đỏ rực thanh long chín . Khát, tôi vói tay bẻ đại một quả lột vỏ ra xử ngay tại chỗ , cái vị của thanh long chín hái tại vườn mới ngọt làm sao . Mà chỉ có dân quê mới biết chọn thanh long ngon . Dân phố thị hễ thấy những trái thanh long tươi tắn, vỏ đỏ hồng là thế nào cũng cho vào giỏ , nhiều khi còn tưởng là mình sành ăn . Còn dân xứ thanh long quê tôi lại chọn những quả chín lần thứ hai, màu ngả sang  hơi xanh nâu nâu, trông tai tái , chẳng đẹp đẽ gì mấy nhưng lột vỏ cắn vào rồi mới thấy cái cảm giác đê mê , ngây ngất của thứ quả trời ban này . Mà còn có thứ quả mọc ở đầu chót của cành thanh long, không có cuống, quả liền với cành . Dân quê tôi gọi nó là  “ trái thanh long đực “, trọng lượng nhỏ hơn thanh long thông thường . Quả rất ít hạt, vị ngọt lịm dù là chưa chín “ hai nước “ . Khách khứa vô vườn cứ tự do bẻ mấy cái trái đực ấy ăn mà chẳng bao giờ sợ chủ nhà phiền lòng . Chú tôi bảo : “ Mấy cái thứ trái đực này dù ngon nhưng nó xấu xí quá nên có đem lên thành phố mà bán cũng chẳng có ai mua . Dân thành thị sao cứ ham mấy cái thứ thanh long đẹp mà hổng ngon , thiệt là ngộ quá tay “ .
   Cứ mỗi mùa thanh long chín, lái vô tận vườn hỏi mua . Họ đi thành tốp ba bốn  nguời, túa ra đi chặt thanh long, phân loại lớn nhỏ rồi chất vô bội đem cân, sau đó giao tiền . Mọi việc nhanh đến chóng mặt, mới sáng ra thấy vườn thanh long đỏ rực đến gần trưa trưa là chỉ còn lủng lẳng mấy quả xanh . Lái trả giá cao cho những loại thanh long vừa chín tới, bắt đầu hơi ngọt nhưng vẫn còn cái hậu chua chua trong miệng , vì những quả ấy sẽ bảo quản được lâu hơn, vỏ đẹp dễ bán . Còn loại quả chín hai nước thì chẳng thèm ngó ngàng hoặc có lái mua giá thấp hơn loại trái thông thường . Trong ngày thu hoạch, hằng hà sa số thanh long nhỏ xíu đèo đẹt (dân quê tôi gọi vui là thanh long lôm chôm ) và mớ thanh long đực cũng được hái xuống đổ thành một đống to . Có lúc chú tôi bán rẻ bèo cho lái, thậm chí cũng có lúc hào phóng cho luôn để giữ mối .

***BẮT CÁ, CÂU CUA TRONG RẠCH
  Hồi tôi còn nhỏ, cái thứ mà tôi thích nhất là theo mấy chú thím đi bắt cá, tôm trong rạch . Quê miền sông nước, vườn nhà nội tôi có đến mấy con rạch chạy xuyên qua . Ngày ấy, dẫu trong nhà chẳng có hột gạo nào để ăn thì người ta vẫn chẳng thể nào chết đói . Chỉ cần xách thùng ra rạch là có đủ thứ cá tôm cần thiết cho một ngày rồi . Cuộc sống vì thế mà nó cứ nhẹ nhàng trôi chẳng màng cái sự đời nó lên xuống ra sao .
Những con rạch đi ngang nhà nội tôi được xẻ thêm một vài nhánh nhỏ để dẫn nước vào tận sau nhà để tắm giặt, rửa ráy . Và mấy ông chú tôi đã làm một cái bộng bằng thân dừa khoét rỗng ở đầu nhánh tẻ con rạch ấy . Lúc nước lớn, nước luôn trong và sạch, nếu muốn giữ nước lại để xài , chỉ cần lấy rơm quấn lại thành nùi to rồi nhét vào cái bộng ấy là nước hết chảy ngược trở ra sông . Do vậy , mặc dù con rạch cái đã ròng cạn hết nước thì cái nhánh rạch nhỏ quê nội ngày xưa vẫn ăm ắp nước, tha hồ cho tôi đeo bập dừa tắm mát đã đời .
       Mà cái bộng dừa ấy là cái nơi cung cấp thức ăn cho nhà nội tôi . Sáng sớm, mặt trời còn chưa lên hết đọt dừa,, ông chú Mười vén mùng, kéo áo tôi “ Dậy mậy nhỏ, có muốn đi bắt cá với tao hôn, đi thì ngồi dậy mau lên, lẹ đi “ . Cái thằng ranh con phố thị vốn ăn no ngủ dậy trễ như tôi , nếu bình thường thì có mơ cũng hổng có lôi tôi dậy nổi . Vậy mà nghe tới việc đi “ bắt cá “ là khỏi nói, tôi bật dậy, tỉnh như sáo, nhảy lẹ xuống giường, xỏ dép lạch bạch chạy theo ông chú ra vườn .
      Nói bắt cá cho sang vậy chứ có làm gì nhiều đâu . Nước ngoài rạch lớn đã cạn từ hồi hôm nhưng nước trong rạch nhỏ vẫn còn đầy do chú tôi đã nhét bộng lại . Chú tôi thọc tay xuống nước rút mớ rơm nhét bộng, nước trong rạch nhỏ tuôn ra ào ạt . Chú lấy cái đục ( được dân quê tôi tự làm ra - giống như cái vợt bắt bướm đan bằng lưới nhưng không có cán ) áp vào miệng bộng . Đục được làm bằng mắt lưới to cho nước dễ dàng chảy qua . Và thế là nước thi nhau đi qua, còn cá tôm, rác rến thì nằm lại trong đục . Chờ đấy . Một tí thôi , lũ cá ngốc nghếch bơi theo luồng nước chảy sẽ thi nhau tuôn vào lưới . Ngày ấy cá nhiều vô kể , cá trong bộng theo nước tuôn ra cứ như là người ta đổ cá từ trong thùng vào đục vậy .
      Hứng đục áng chừng nửa tiếng, hai chú cháu tôi đã có dư đồ ăn cho cả ngày . Lũ cá bống cát, cá rô biển, cá bống mắt tre bất ngờ bị đưa ra khỏi nước, mắt chúng trừng trừng, mang bạnh ra thở phập phồng , chẳng biết là chúng tức giận hay sợ hãi , nhưng lát sau qua tay của cô Hai là chúng sẽ nằm gọn gàng trên dĩa vàng ươm thơm phức . Mà nhiều nhất phải là tép bạc ( nhiều người ở thành thị gọi là tôm bạc ) . Chúng nhảy xoi xói, búng mình tanh tách trong lưới đục hòng thoát thân . Và cái lũ này là “ đặc ân “ mà ông chú dành cho tôi . Tôi xách râu từng con, ngắm nghía, chơi với chúng thỏa thuê rồi thảy vào bếp than của cô Hai . Một phút, chúng chín thơm , béo ngậy . Tôi bóc vỏ , thưởng thức đầy tràn cái hương đồng gió nội của quê nhà dâng lên trong miệng .
       Lâu lâu, rảnh vụ lúa, cả đại gia đình nội tôi lại kéo nhau đi thu hoạch cá trong rạch . Nếu muốn có nhiều cá, trước đó vài ngày chú tôi lấy lưới bồ đăng lại ở đầu rạch đề tránh cho cá bơi ngược ra sông . Chờ tới ngày con nước ròng thật sâu, nước trong rạch cạn còn xâm xấp là mấy chú thím tôi mối người một cái thùng lội ì oạp xuống rạch bắt cá . Cá nhiều vô kể, chúng lóp ngóp dưới bùn, có cả lũ cá thòi lòi mắt lồi nhảy lạch bạch tán loạn vô các bẹ dừa nước . Tép bạc, tôm sắt, tép gạo lổm ngổm trên mặt bùn . Chỉ cần đứng một chỗ vẫn có thể bắt đầy thùng tôm, cá . Dễ như lấy đồ trong ngăn kéo .
      Tôi cũng ham hố xách thùng đi theo . Thím Mười thảy cho tôi cái rổ tre biểu : “ ông quậy “ lấy cái này cái này xúc đi cho nó nhanh “ . Tôi xúc lấy xúc để, cuối buổi cũng được non nửa thùng cá lẫn tôm tép . Lẫn trong đám bùn nhão nhoét có khi còn có những con cua biển .
      Tôi đã có kinh nghiệm thương đau khi có lần bị một con cua biển đớp một phát ngay cạnh trong của bắp đùi , suýt chút nữa là “ chết thằng nhỏ dưới ghe “ . Lần ấy đau quá , tôi kêu rống lên, tay chân quơ loạn xạ làm cả thùng cá vừa bắt  được đổ ra tung tóe . Ông chú Út chạy đến , vạch quần tôi lên , bắt con cua ra . Chú út vừa cầm “ kẻ thù “ của tôi giơ lên vừa bảo : “con cua này xém làm mất giống thằng cháu tui “ . Cả khu rạch vang rần rần tiếng cười của mấy người đi bắt cá .
     Tôi còn nhớ lúc tôi học lớp 5 hay lớp 6 gì đó, một bữa, bà thím Mười rủ “ đi bắt còng với tao hôn mậy ? “ “ chi vậy thím ? ăn hả “ “ ăn gì mà ăn . giống đó tanh òm . đi bắt còng về câu cua biển “ .
     Nghe thiệt là lạ , bắt con còng câu con cua . Tôi gật đầu cái rột , lót tót lén nội vô trong biền bắt còng ( nội tôi không cho vô biền vì sợ bù mắt cắn sinh bệnh ) . Lũ còng gió chạy nhanh như gió, con đực cái càng đỏ chót, to bè, lúc nào cũng giơ giơ lên như nghênh chiến, lưng xanh biếc, giương hai con mắt như hai cây ăng ten trước án ngữ trước cửa hang . Con cái thì màu nâu đen, xấu xí , càng bé tí tẹo . Chúng ranh mãnh, nhanh nhẹn cực kỳ .
     Để bắt được, thím dạy tôi hễ thấy con còng trước cửa hang là lấy tay chân ở mé trong của hang, cách cửa hang một đoạn . Con còng tuy nhanh nhưng hể thấy động là chạy về hang và như thế là tôi chỉ việc hốt cả nắm bùn lên, bốc con còng bỏ vô giỏ .
     Bắt còng xong, thím tôi lấy chày đâm tiêu đập cho lũ còng hơi giập ra rồi buộc vào cần câu . Câu cua không giống câu cá, câu cua chẳng cần lưỡi câu . chỉ cần buộc vài con còng vào đầu sợi dây , sau đó đem thò xuống rạch . Lũ cua biển thích mùi tanh của còng mò đến đu vào cục mồi . Ngồi quan sát, hễ thấy cần câu rung rinh là xách vợt chuẩn bị . Đợi một tí, cần rung hơi mạnh là con cua đã say mồi, thím tôi từ từ, thật chậm kéo dây câu lên , phải nhớ là kéo thẳng đứng để con cua không sợ . Con cua ham ăn cứ bám chặt cục mồi theo lên gần mặt nước, bà thím chỉ chờ có thế quơ vợt xuống hớt con cua lên bỏ vào thùng .
     Nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải là dễ,  nếu làm không quen, nôn nóng kéo lên hoặc kéo không đúng, con cua sẽ sợ mà buông mồi chạy mất . Chỉ cần vài con thôi, hai thím cháu tôi được một bữa canh bún nấu bằng cua ngon tê lưỡi .
     Phần còng còn dư, thím tôi còn bỏ vô lọp đem vô rạch chỗ có nhiều cây dừa nước để đặt cá bống dừa .
     Thôi thì đủ kiểu để có thể lôi những con cua, con cá từ dưới nước lên . Nhưng ngày ấy cá tôm nhiều, người dân chỉ cần bắt để đủ nhu cầu ăn uống hằng ngày chứ không theo kiểu tàn sát tận diệt như bây giờ . Nhờ đó mà cá tôm rất dạn dĩ, chúng mặc sức sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống .

***ĐI CHỢ XÃ
     Quê nội tôi, dân sống trong đồng quen ăn uống giản đơn nên ít khi ra các khu chợ lớn , với lại chẳng có xe máy đi lại dễ dàng nhanh chóng như bây giờ . Đa phần chỉ là mua vật dụng, thức ăn cần thiết ở các quán trong xóm . Mỗi xóm có một hay hai cái quán nho nhỏ như thế . Khi ăn cá hoài ngán quá, nội vẫn hay sai tôi ra mua mắm ăn với rau luộc hái trong vườn . Chỉ cần một , hai ngàn đồng, tôi có thể xách tòn ten bịch mắm linh to tướng bên trong đem về cho nội .
     Hoặc làm biếng hơn nữa thì chờ mấy bà quang gánh thức ăn, rau củ gánh vô nhà, nội tôi sẽ đổi trứng gà để lấy thịt, rau củ . Thậm chí, nếu đủ số trứng, nội có thể đổi được cả xoong nồi, đồ nhựa ... và cả cà rem để dụ bọn con nít như tụi tôi .
     Nhưng thỉnh thoảng, có dịp quan trọng như đám giỗ chẳng hạn, nội tôi sẽ đi ra chợ ngoài trung tâm xã . Chợ ở xa, nội phải đi từ rất sớm . Mà với lại thói quen của dân quê dậy sớm nên thật ra chợ xã đã họp từ trước khi trời sáng . Nội đánh thức tôi khi trời còn tối mò mò . Vệ sinh xong xuôi, nội bắt ông chú cõng tôi trên vai ra tận ngoài đầu lộ cách nhà tới ba cây số . Sau đó, hai bà cháu đón xe ngựa ra chợ .
     Thật ra , ấn tượng nhất với tôi là được ngồi trên cái xe ấy – cái thứ xe mà ở thị xã tôi chẳng bao giờ có dịp đi thử . Tôi nhớ mang máng hình như là tiền cho một cuốc xe như thế là ba hay bốn trăm đồng gì đấy . Ngồi trên xe ngựa lộc cà, lộc cộc , toàn là mấy bà mấy cô mặc áo bà ba, chít khăn rằn trên đầu, trò chuyện rôm rả suốt đoạn đường đi .
     Tôi thích ngồi phía sau cùng của xe để có thể ngắm cảnh vật từ từ lùi về phía sau , cảm nhận được cái khoảnh khắc giao thời giữa đêm và ngày . Giờ thỉnh thoảng tôi nghĩ lại thấy thương cái thân phận con ngựa, một mình mà phải gồng mình kéo cả đống người trên xe . Ông xà ích cầm cây roi da dài ngoẵng quất nhẹ vào mông con ngựa để thúc cho nó chạy nhanh , miệng ông kêu “ Dí...thá .... “ . Tôi cũng chẳng biết mấy cái từ đó có nghĩa là gì , chỉ thấy con ngựa cứ ngoan ngoãn mải miết gõ móng đều đặn trong  màn đêm .
     Càng đi, trời càng sáng hẳn, con đường đá đỏ sớm tinh mơ không có bụi, mờ mờ trong màn sương sớm chưa tan . Trải dọc hai bên ven đường là rực đầy màu tím, màu hồng của hoa pháo nổ . Cảnh vật hiện ra đẹp và thơ mộng như trong tiểu thuyết văn chương .
     Ra đến chợ, trước tiên là ngoại dắt tôi đến chỗ bán bánh, mua cho tôi cái bánh da lợn màu xanh lá dứa ngọt ngất . Sau đó, nội mới dắt tôi đi lòng vòng mua đồ . Ngày đó, chợ quê nghèo nàn, chủ yếu là những thứ vườn nhà mà những người mẹ, người chị, người bà tảo tần đem ra bán hòng dành dụm kiếm sống qua ngày . Cá tôm chỉ toàn là cá đồng , chẳng thể nào kiếm ra thứ cá tôm nào của biển, có chăng chỉ là lũ cá khô . Có cái hay là ở quê ngày ấy người ta hầu như quen biết nhau nên hầu như ra chợ là có thể gặp toàn người quen để trò chuyện, tán dóc , kể cả ăn hàng .
     Sau này tôi nghe kể lại, nếu chẳng hạn nhà có đám giỗ, đám cưới, chẳng cần đem theo tiền . Cứ ra chợ đặt hàng, tự mấy người bán sẽ đem giao đến tận nhà . Sau đám mới lấy tiền, thậm chí nếu quen biết thân tình còn có thể cho trả dần hoặc trừ bằng lúa .

***VÀ NỘI TÔI
      Cả ông nội và bà nội chưa bao giờ rầy la tôi, kể cả tính tới thời điểm hiện tại . Trong ký ức tôi ngày xưa, nội là một bà già dễ tính, cưng cháu , quanh năm làm lụng quần quật mà chẳng hết việc .
Ngày thường, gà vừa gáy sáng là bà phải dậy nấu nước sôi, chế vào bình trà cho ông nội, để tí nữa sẽ có mấy ông già hàng xóm sang chơi . Khi ông nội mất đi, bà nội tôi vẫn còn giữ nguyên cái thói quen ấy . Có điều chú tôi là người thay ông nội ngồi trên cái bàn tròn rỉ rả , khề khà chuyện lúa má, chuyện xóm làng, chuyện thời sự với mấy ông hàng xóm .
Trong khi cánh đàn ông ở nhà trên uống trà, nội và cô hai tiếp tục nổi lửa nấu cơm để sáng có cái bỏ vào bụng trước khi ra đồng . Vừa nấu cơm vừa phải nấu cháo heo, xắt rau , trộn cám cho heo . Con heo nội tôi nuôi ngày ấy phải tròm trèm một năm mới được một tạ, chứ đâu như bây giờ toàn thuốc tăng trưởng, mới hai tháng rưỡi đã xuất chuồng bán ra ngoài . Nấu cơm, cho heo ăn xong là phải lo tới mấy con gà vừa kéo đến đầy ngoài sân . Xong xuôi, lại đội nón tất tả ra đồng .
Cuộc sống quanh năm vất vả mà chẳng dư dả là bao . Tay nội nhăn nheo, đầy những vết chai, nứt nẻ , gồ ghề như tay đàn ông . Có một thuở, tôi sang nhà bà Bảy là họ hàng của nội chơi . Bà Bảy ngồi gác một chân lên ván, tay đưa lên miệng tém qua tém lại cục thuốc xỉa : “ Bà nội mày á , bả cực là do trời trả báo bả “ . Tôi chẳng hiểu gì, mà cũng chẳng dám hỏi . Tôi chỉ biết đem cái thắc mắc này về hỏi cha . Cha tôi kể . Ngày xưa, thời còn trẻ, ông nội tôi còn làm lái lúa, kiếm được  rất nhiều tiền . Nhà có cả xe đạp, xe máy, một chiếc xe hơi, ghe to đến mấy chiếc . Giàu có nên bà nội tôi chẳng thèm động tay động chân làm việc . Và tính tình bà rất dữ, lại hay khinh khi người khác nên xóm giềng rất ghét . Sau này, không biết vì điều gì ông nội không còn làm lái lúa nữa, kinh tế gia đình giảm sút . Ông chuyển sang gầy dựng vườn thanh long nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo . Bà từ chỗ ăn trắng mặc trơn phải lao vào phụ việc với ông tôi . Những tháng ngày khốn khó của bà thật sự bắt đầu từ đó .
Tôi nghe xong chuyện chỉ thấy thương bà nội tôi hơn . Trong mắt thằng trẻ con như tôi, bà vẫn là người bà dịu dàng, mộc mạc, chịu thương, chịu khó như bao người bà khác trên quả đất này . Bà hay bênh tôi, kéo tôi thoát khỏi những trận đòn của cha tôi vì tội nghịch phá . Tôi biết ơn bà khi bà mắng cha tôi : “ Mày hồi đó mày cũng phá phách như nó chứ gì mà bây giờ lại đi đánh thằng nhỏ “ . Bà kéo tôi lại, vạch quần tôi ra “ Nè , coi nè, đánh cháu tao bầm đít hết trơn luôn hà “  . Tội cha tôi, líu ríu đi cất roi .
Tôi ít về quê . Bây giờ vùng quê tôi đổi thay nhiều quá . Thuốc trừ sâu và kiểu đánh bắt tận diệt đã làm cạn kiệt nguồn cá tôm . Bọn con nít ở quê giờ đây sẽ chẳng bao giờ có được cái ký ức tuổi thơ đầy kỷ niệm êm đềm như tôi ngày trước . Mấy năm trước, thanh long mất giá, chú tôi cũng đã phá bỏ gần hết vườn thanh long . Giờ ra vườn nhìn trơ trọi mà buồn làm sao . Muốn tìm một trái ổi chát để ăn như ngày xưa, vậy mà tìm hoài không thấy .
Sáng nay, tôi về thăm bà, bà đã gần chín mươi . Bà nằm đấy, yên lặng , da khô như giấy . Một bên tay của bà đã liệt . Ba năm trước, bác sĩ chẩn đoán là bà bị nhũn não, bà bị mất trí gần như hoàn toàn, chẳng nhận ra được ai , kể cả thằng cháu cưng của bà là tôi . Tôi tưởng bà đã ra đi từ dạo ấy . Cha và các chú đã chuẩn bị mọi thứ cho bà . Nhưng không, bà vẫn sống đời sống như cỏ cây, gần như vô tri suốt hai năm . Đầu năm nay, chú út dưới quê báo tin bà có dấu hiệu hồi phục trí nhớ , bà nhớ được gần như nguyên vẹn những chuyện cũ đã qua, nhớ cả những đứa con cháu nhỏ nhất trong nhà .
Tôi ngồi bên giường bà, nhìn bà đang ngủ . Nét mặt bà trĩu nặng những ký ức của thời gian . Lâu sau, bà mở mắt, nhìn tôi một cách khó nhọc . Tôi kề vào tai bà “ Thưa nội con mới về “. Bà thều thào “ đứa nào vậy ? “ “ con là thằng Khôi nè, cháu nội của nội nè “ . Mắt bà sững lại , rồi bà nấc lên , từ  nơi khóe mắt mờ đục của bà hai hàng nước mắt chảy ra “ Trời ơi , cháu tôi đây mà. Cháu tôi mà tôi không nhận ra “ .
Tôi cố nén để mình không khóc . Tôi đáng chết quá . Cái nội tôi cần không phải là số tiền tôi gửi về quê cho nội mua sữa, mua thức ăn . Thứ nội cần là tôi, là sự hiếu thảo của tôi dành cho bà . Tôi đã ngồi bên giường bà thật lâu, cầm bàn tay bà mà nước mắt cứ chực trào ra ... Ba mươi tuổi, tôi vẫn chỉ là thằng bé con ngày nào nghịch ngợm ngoài khoảnh sân đầy nắng ...

  Tháng 10/20009